Cảng PTSC Phú Mỹ hiện đang cung cấp dịch vụ bốc xếp hàng phân bón xá phục vụ xuất khẩu với phương án bốc xếp sử dụng sàn thao tác (platform) kết hợp với cẩu tàu/cẩu bờ.

Với công nghệ bốc xếp hàng phân bón xá có đặc thù thì riêng, Cảng PTSC Phú Mỹ đã nghiên cứu đầu tư trang bị thiết bị làm hàng phù hợp đối với mặt hàng này nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất từ phía khách hàng nhằm đảm bảo năng suất xếp hàng, hạn chế hao hụt/rơi vãi và hạn chế lấm bẩn trong quá trình thao tác bốc xếp. Phân bón xá được chở từ các kho chứa của khách hàng đến cảng, sau đó hàng hóa được đổ xuống sàn thao tác trước khi được cẩu bốc xếp từ sàn thao tác lên tàu. Năng suất xếp hàng có thể đạt từ 8.000 tấn/ngày đến 12.000 tấn/ngày.

Phương án bốc xếp hàng này đã và đang tiếp tục nhận được sự tin tưởng sử dụng dịch vụ từ các khách hàng.

Picture1Picture2Picture3Picture4

Ngày 11/11/2022, đoàn Công ty cảng DVDK Tổng hợp Phú Mỹ (PTSC Phú Mỹ) đã tới dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên tại điểm cao 468 thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

 

Nơi đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.864 anh hùng liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể, các anh đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương nơi cực Bắc Tổ quốc, từ năm 1979 đến năm 1988 (trong đó có 371 phần mộ Liệt sĩ chưa biết tên, các anh đến từ 32 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước). Các anh đã ra đi khi còn rất trẻ, tuổi 16, tuổi 17 mang theo lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cha ông và dòng chữ khắc trên báng súng “Sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử” lời thề bất tử của thế hệ những người lính đã chiến đấu trên mảnh đất Vị Xuyên để giữ lại từng tấc đất thiêng của Tổ quốc.

 

Đây là hoạt động nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và cũng là dịp để Công đoàn viên, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên ưu tú PTSC Phú Mỹ hiểu rõ hơn nữa về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, những khó khăn gian khổ, những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông trong đấu tranh cách mạng và bày tỏ lòng biết ơn của các thế hệ đối với những hy sinh to lớn của các liệt sỹ đã chiến đấu hết mình bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống bình yên cho đất nước ngày nay.

 

“Hành trình về nguồn” – chương trình ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBCNV, góp phần phát huy lòng tự hào truyền thống của dân tộc, tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả vì độc lập, tự do. Thông qua chuyến đi đã tạo sự gắn kết giữa các Công đoàn viên, Cựu chiến binh, Đoàn viên thanh niên trong công ty trao đổi, học tập kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong đoàn thể.

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Hằng – Trần Thanh Hậu

Việc khẩn trương lập quy hoạch cảng biển BR-VT song song với lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ được đánh giá là rất cần thiết. Điều này nhằm đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chuyên ngành và chủ động trong việc thu hút đầu tư các dự án cảng trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch để khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển

Hiện hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Trong ảnh: Tàu cập cảng CMIT để xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Lượng hàng hóa vượt xa quy hoạch

Theo số liệu thống kê cho thấy, hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế với 43% - 45% lượng hàng cả nước, có vị trí gần kề tuyến hàng hải quốc tế Á - Âu, Á - Mỹ… Nơi đây cũng phục vụ trung chuyển cho cả khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. CM-TV cũng là cảng nước sâu có thể tiếp nhận được tàu container đến 214.000DTW. Đây cũng là nơi đang khai thác 35 tuyến vận tải container quốc tế.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng thông qua cảng biển BR-VT dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 96-100 triệu tấn/năm; trong đó hàng container từ 3,1-3,30 triệu TEU/năm; năm 2025 từ 128-141 triệu tấn/năm; trong đó hàng container khoảng từ 5,2-5,8 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 167-198 triệu tấn/năm; trong đó hàng container khoảng từ 8 đến 9,5 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng biển BR-VT Tàu đạt hơn 113 triệu tấn, riêng container đạt 7,55 triệu TEU (trong đó hàng hóa thông qua bằng tàu biển là 76 triệu tấn bao gồm 4,37 triệu TEU hàng container). Như vậy, lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2020 đã vượt dự báo được duyệt.

Trong khi đó, hệ thống cảng biển hiện chưa được đầu tư đồng bộ, mạng lưới kết nối cảng phát triển chậm, tình trạng tắc nghẽn giao thông đã xảy ra. Ngoài ra, nhiều đơn vị cho rằng hạ tầng logistics phát triển chậm, chi phí khá cao, phát triển công nghiệp chưa toàn diện, chưa có bến cảng quy mô lớn, dài đủ sức tiếp nhận nhiều tàu mẹ cùng lúc. Cùng với đó, là thiếu các bến sà lan, bến thủy nội địa…

Cần quy hoạch chi tiết, bài bản

Theo đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển BR-VT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện. Trong đó, dự kiến được thực hiện tại các khu: khu bến Cái Mép (trong đó bao gồm bến cảng Cái Mép Hạ lưu); khu bến Thị Vải; khu bến Long Sơn; khu bến sông Dinh; bến cảng Côn Đảo; các bến cảng dầu khí ngoài khơi; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão. Trong đó, vùng nước thuộc khu vực cửa sông Cái Mép và có sự điều chỉnh ranh vùng nước khu cảng Phước An. Vùng đất với các khu bến Cái Mép, Thị Vải Long Sơn được điều chỉnh nhiều về công năng. Ngoài ra, điều chỉnh bổ sung bến xây dựng của Tổ hợp hóa dầu thành bến cảng tổng hợp, chuyển bến cảng tàu khách trên vịnh Côn Sơn thành cảng biển là 2 trong nhiều nội dung quan trọng của bản quy hoạch chi tiết.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp với Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển rà soát tính toán, làm rõ thêm nhu cầu, định hướng, lộ trình đầu tư phát triển các bến cảng thuộc cảng biển BR-VT, đặc biệt là khu bến hạ lưu Cái Mép Hạ. Đồng thời, đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất phạm vi, nội dung quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh; tính toán đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải biển không chỉ khu vực CM-TV mà còn của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian tới, khi các tuyến đường cao tốc hình thành và khu vực QL51 không còn thu phí, sân bay Long Thành hình thành thì cơ hội phát triển về kinh tế cảng biển của tỉnh là rất lớn. Do đó, đơn vị tư vấn cần xác định và nghiên cứu các phương án kỹ thuật của cầu cảng đảm bảo cho lượng hàng hoá lớn trong tương lai. Đặc biệt là trong nghiên cứu quy hoạch cần phải có cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho nhà đầu tư về sau.

Mới đây nhất, ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang  đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về vấn đề Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh. Khẳng định việc quy hoạch và đầu tư cảng biển của Việt Nam luôn đi trước một bước, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang thông tin, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục phân tích và tính toán để có các quy hoạch cụ thể hơn. Hiện CM-TV đang làm tốt nhiệm vụ trung chuyển từ các nước như Campuchia, Thái Lan và nhiều nhất là trong nước. “Đặc biệt ở khu vực Cái Mép Hạ, nơi đây có rất nhiều lợi thế để phát triển. Chúng ta cần quy hoạch chi tiết, đầu tư bài bản, có nhiều phân khúc tàu để đáp ứng cho nhu cầu phát triển vận tải biển trong lương lai, tận dụng vị trí đắc địa của luồng CM-TV cho phát triển cảng biển của khu vực”, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

(Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202208/quy-hoach-de-khai-thac-hieu-qua-he-thong-cang-bien-957633/)

 

Chuyên mục phụ